Hallelujah.

Đêm Noel ở thị trấn nhỏ – ngoài trời lạnh thấu xương nhưng từ ô cửa sổ những ngôi nhà san sát, ánh đèn ánh nến nom thật ấm cúng. Stephany rảo bước trở về sau một ngày dài trên trường học, trong lòng chộn rộn nhiều suy nghĩ bao quanh một nỗi hồi hộp – không hẳn vì nó sắp được gặp lại Cha sau một thời gian dài, mà quan trọng hơn là khi kỳ nghỉ Giáng sinh kết thúc, nó sẽ lên đường sang một châu lục khác du học ngành y khoa – thành quả sau một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, nhất là với một đứa vốn không có thiên hướng tư duy não trái như nó.

Đúng như Stephany đã đoán trước, trong nhà ngoài Cha nó ra chẳng ai tỏ vẻ quan tâm tới sự có mặt của nó; càng chẳng cần mong gì tới một lời chúc mừng hay hỏi han về cái thành tích nó đã phải cố gắng nhiều năm để đạt được. Cũng dễ hiểu thôi – anh chị em của nó còn xuất sắc hơn thế nhiều, thậm chí – như giáo viên từng dạy qua mấy đứa tụi nó từng nhận xét – là họ chỉ cần bỏ thời gian học tập bằng một nửa thời gian nó bỏ ra, thì thành tựu đạt được sẽ gấp đôi nó. Lời nhận xét ấy chính xác thật, chỉ có điều mỗi khi nghĩ lại, nó thấy vừa nhục nhã, vừa đau. Nhưng Stephany chẳng phải một cô bé ủy mị. Chính từ nỗi nhục và nỗi đau ấy, nó cương quyết cho tất cả thấy nó cũng chẳng thua kém gì những đứa kia. Và cứ thế nó theo đuổi y khoa – một trong những khoa đòi hỏi tư duy logic bậc nhất, trí nhớ bậc nhất, và tầm quan trọng cũng bậc nhất. Thành tựu nó đạt được, cũng phải vào hàng nổi trội mới vừa – để những giáo viên từng đánh giá thấp nó hay chính cả mẹ nó và các anh chị em nó cũng không được coi thường.

Công bằng mà nói, không phải Stephany không có một ưu điểm gì so với những đứa con trong nhà. Chỉ là năng khiếu của nó khác biệt hoàn toàn với những đứa trẻ còn lại. Trong khi mấy đứa kia thông minh về tư duy logic và các món khoa học cơ bản, thì con bé biết đọc, biết viết sớm và từ nhỏ đã yêu thích văn chương – cả việc đọc văn chương và việc tự viết ra văn chương của riêng nó. Không công bằng là ở chỗ, giữa quá nhiều đứa trẻ thông minh theo một hướng đối lập, thì sự thông minh của nó không hề được giáo viên hay thậm chí cả mẹ nó nhìn nhận. Và vì người lớn đã như thế, thì lũ trẻ cũng khó mà cư xử khác hơn. Chúng cho rằng con bé “lập dị”, “dở hơi”, và thậm chí cười nhạo khi tìm thấy cuốn sổ con bé viết lại những tác phẩm chập chững của nó. Cũng dễ hiểu thôi khi cả người lớn và trẻ con ở cái thị trấn nhỏ này đều vậy – khi cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc thì người ta chỉ đề cao và chú trọng vào những cái gì thực tế và thực dụng, những cái có thể làm ra của cải vật chất hoặc có thể cứu chữa hay chăm sóc cho thân thể người ta. Còn những thứ như văn chương, nghệ thuật, những cái gọi là chăm sóc tâm hồn hay tinh thần, thì còn thời gian hơi sức đâu mà nhìn tới, mà chú trọng.

Người duy nhất luôn giành lời yêu thương và động viên Stephany tiếp tục đọc, tiếp tục viết là Cha nó – Người luôn mang về cho nó những cuốn sách hay, luôn sẵn lòng đọc hết những gì nó viết và cho nó những lời nhận xét cũng như khích lệ để nó viết tốt hơn. Chỉ tiếc là một năm nó chỉ được gặp Cha vài lần – vì ngoài nó ra còn nhiều đứa con khác cần Người che chở, nhiều việc khác cần Người gánh vác. Nhưng dù bận đến đâu, chắc chắn Cha sẽ trở về gặp nó vào dịp Giáng sinh. Nhất là năm nay – với thành tích đặc biệt nhất và có lẽ là quan trọng nhất đời nó, Cha nó đã hứa rằng sẽ mang tới món quà đặc biệt nhất.

Bữa tối xong xuôi, những đứa trẻ quây quần bên cây thông Noel để nhận món quà mà Cha chúng giành tặng. Người Cha hào phóng và tinh tế đã tặng cho mỗi đứa trẻ món quà mà chúng thích nhất, cũng là thứ trợ giúp đắc lực nhất cho niềm đam mê của chúng – cứ nhìn cái cách chúng la lên thích thú hay ánh mắt chúng sáng bừng lên, ôm chầm lấy Cha rồi cảm ơn Cha ríu rít là biết: thằng anh đang theo học khoa Vật lý được một chiếc ống nhòm thiên văn có thể giúp nó quan sát được tận những chiếc hố trên mặt trăng; con chị yêu thích vi sinh vật được chiếc kính hiển vi mà nó hằng ao ước; mấy đứa nhóc còn đi học phổ thông cũng được mấy cuốn sách hay nhất trong bộ môn chúng theo đuổi… Stephany hồi hộp lắm. Nhìn những đứa khác mở quà, nó đồ rằng quà của nó là cuốn y văn mới nhất do một bác sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ biên soạn – tài liệu quý mà sinh viên y khoa nào cũng khao khát có được. Có sách ấy thì chẳng ngại một ca bệnh khó, một chứng hiếm gặp nào cả…

Anh chị em của Stephany cũng tò mò về món quà của nó – vì chúng biết Cha thương Stephany ngang ngửa chúng và thậm chí còn có phần bao dung hơn, không giống như mẹ – người luôn đồng tình với chúng rằng Stephany là đứa khác người và học hành chẳng ra gì. Cả mấy cặp mắt đổ dồn về cái bọc trông-rất-giống-một-cuốn-sách mà Stephany đang cầm trên tay. Nó bắt đầu mở quà, thật cẩn thận. Chiếc bìa từ từ lộ ra…

Stephany sững người, mắt mở to ngạc nhiên cực độ. Mấy đứa trẻ còn lại cũng ngạc nhiên, rồi phá lên cười. “Ơ kìa, cuốn tác phẩm của đại văn hào Stephany!”, “Mấy cái truyện ngớ ngẩn nó tự viết đấy hả?”, “Ôi mà tao cứ tưởng lúc đó nó ném đi rồi chứ” – cả lũ có vẻ khoái trá vì nhớ lại một kỷ niệm tuổi thơ chúng cho là vui ra phết.

Tiếng sập cửa đầy bực bội làm cả nhà đang vui vẻ phải giật mình cả lượt. Thằng anh lớn tay vẫn cầm chiếc ống nhòm, vẻ mặt băn khoăn thực sự: “Stephany nó sao vậy kìa?”

“Ôi trời, cái con dở hơi ấy, bây cứ kệ nó. Thật là chẳng biết cư xử” – người mẹ cố tình nói thật to để đứa con gái “lập dị” đang nằm khóc sau cánh cửa kia cũng nghe thấy. Và bà đã đạt được mục đích vì không để cả nhà đợi lâu, đứa con gái không biết cư xử của bà trở lại phòng khách, nhìn thẳng vào Cha nó – người vẫn trầm lặng suốt cuộc ồn ào vừa rồi – đôi mắt nó đỏ hoe nhưng giờ đã ráo hoảnh, giọng nó đầy uất ức nhưng rành rọt từng tiếng một:

– Cha, con cứ nghĩ trên đời này chỉ có Cha thương và hiểu con nhưng giờ con biết mình lầm! Cha hiểu tất cả mọi người muốn gì và tặng họ thứ hữu dụng nhất, còn thứ con nhận được chỉ là thứ mà tất cả có thể dùng để cười nhạo con! Con không cần món quà vô dụng đó. Con đủ khả năng để đạt thành tựu như bất kỳ đứa con thông minh nào của cha mẹ mà không cần bất cứ thứ gì từ Cha cả!

Và cứ thế nó ở lỳ trong phòng suốt lễ Giáng sinh. Cha nó tìm đủ mọi cách trò chuyện nhưng nó quyết bịt tai, đóng cửa để không nghe và không thấy gì cả. Ngày Cha nó tiếp tục lên đường, nó cũng rời khỏi nhà và từ đó không ai thấy nó trở về cả.

***

Tiến sỹ y khoa Stephany dọn dẹp lại căn phòng của Cha mình. Ông mất ngay sau lễ Giáng sinh – ông vẫn muốn chờ đứa con gái bé bỏng trở về, nhưng không chờ được nữa.

Khi đến góc bàn làm việc, cô chợt nhói lòng khi thấy cuốn sổ quen thuộc nằm ngay ngắn, được Cha giữ gìn cẩn thận đến độ thời gian cũng chưa làm nó sờn rách.

Những kỉ niệm không vui từ tuổi thơ chẳng còn khiến cô bận tâm. Trước mắt cô bây giờ chỉ còn là món quà cuối cùng của Cha – món quà mà vì một phút nóng giận thời niên thiếu, cô đã không trân trọng.

Không kìm được xúc động, tay cô run run lật mở cuốn sổ, và thấy ngay một bức thư Cha đã gửi nhiều năm trước nhưng giờ cô mới nhận được:

“Stephany con yêu,

Cha xin lỗi con thật nhiều, vì món quà này đã khiến con buồn giận. Cha xin lỗi con vì thời gian qua không thể ở bên con thường xuyên và bảo vệ con khỏi những điều chưa đúng. Cha không muốn mắng mỏ mẹ con, hay ngay cả các anh chị em con dù họ đối với con như vậy thật là tệ – vì Cha hiểu thật tâm họ không phải người xấu, chỉ là họ có nhiều nỗi bận tâm khác nên quên mất rằng cần cố gắng thấu hiểu con – cũng như chấp nhận và thấu hiểu những gì khác biệt với họ.

Và hơn ai hết, Cha hiểu Stephany của Cha – cô bé có trái tim nhạy cảm hơn những anh chị em khác, nhưng cũng vì thế mà cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc hơn những anh chị em khác. Cha biết và Cha hiểu điều đó ngay từ khi con sinh ra, ngay từ khi con biết nói những từ đầu tiên, và viết những áng văn đầu tiên của riêng con.

Đó cũng chính là lý do Cha giành tặng con món quà này, mà không phải cuốn y văn mà con mong mỏi: năng khiếu của con là văn chương, điều con thực sự yêu thích là văn chương, thứ sẽ giúp con sống thật vui vẻ và tận dụng hết được khả năng của con cũng sẽ là văn chương, chẳng phải y khoa.

Y khoa có thể cứu mạng người, có thể chữa trị vết thương trên cơ thể. Những ngành khoa học khác mà anh chị em con theo đuổi và cống hiến có thể tạo dựng và duy trì cuộc sống. Nhưng văn chương và nghệ thuật của con – nếu con giành hết tâm sức và trái tim vào đó – cũng có thể cứu mạng và chữa lành cho những người đang tuyệt vọng, có thể là động lực cho rất nhiều người tiếp tục sống một đời ý nghĩa.

Ngày đó, con đã xé bỏ những tác phẩm của mình và vứt bỏ cả cuốn sổ này, nhưng may thay Cha đã chứng kiến và giữ lại, cũng như ghi chép lại cẩn thận những tác phẩm của con. Vì Cha tin chắc đến một ngày khi Stephany của Cha đủ trưởng thành và đủ thấu hiểu những chuyện trên đời, con chắc chắn sẽ trân trọng món quà này – món quà của riêng con – món quà đặc biệt mà con xứng đáng nhận được. Hơn thế nữa, cũng như những anh chị em của con, con sẽ biết cách sử dụng món quà của mình để cống hiến cho đời. Ngay cả khi con nghĩ rằng không có ai thấu hiểu, không có ai đón nhận những gì con viết, cũng hãy cứ viết ra những gì con muốn – từ trái tim con – một cách nghiêm túc.

Sẽ có một ngày nỗ lực của con được đền đáp – giống như ngày con trở lại bên Cha, đọc lá thư này của Cha, khi con đã là một Tiến sỹ Y khoa  – sau những nỗ lực suốt bao năm đèn sách.

Hãy tin Cha, như cách Cha luôn tin rằng con sẽ trở về.

Cha luôn bên con.”

Categorized in: